Hội nghị Khoa học Công nghệ Hàng hải 2011.
Để góp phần tích cực thúc đẩy các hoạt động Khoa học Công nghệ phục vụ phát triển đất nước, đặc biệt là phát triển kinh tế biển như Nghị quyết 09-NQ/TW ngày 9-2-2007 của Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã nêu, đồng thời thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 55 năm ngày thành lập, Trường Đại học Hàng hải tổ chức Hội nghị Khoa học Công nghệ Hàng hải năm 2011 cho các nhà khoa học trong và ngoài Trường. Hội nghị Khoa học Công nghệ Hàng hải năm 2011 với chủ đề: “Khoa học công nghệ với sự nghiệp phát triển kinh tế biển của đất nước” diễn ra từ ngày 23 tháng 3 năm 2011 đến ngày 25 tháng 3 năm 2011.
Đến dự Lễ khai mạc Hội nghị:
Về phía khách mời có các đồng chí đại diện các cục, các chi cục, các viện, các hiệp hội, các cảng vụ, các tổng công ty và các công ty; các đồng chí đại diện các Sở Ban Ngành của TP.Hải Phòng; các nhà khoa học đến từ các trường đại học, các trường cao đẳng và các trường dạy nghề.
Về phía Trường Đại học Hàng hải Việt Nam có PGS.TSKH Đặng Văn Uy- Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường; các đồng chí trong Ban Giám hiệu; Ban chấp hành Công đoàn Trường; Thủ trưởng các đơn vị; các nhà khoa học; các cán bộ, công nhân viên trong toàn Trường tới dự.
Mục tiêu chính của Hội nghị là tạo ra một diễn đàn để các nhà khoa học và các nhà quản lý trong cả nước, đặc biệt là các nhà khoa học trẻ, trao đổi chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu, triển khai ứng dụng kết quả nghiên cứu vào trong các lĩnh vực. Hội nghị cũng chính là nơi công bố những công trình nghiên cứu mới nhất của các tác giả. Giới thiệu những kinh nghiệm quản lý, những thành tựa khoa học và công nghệ nổi bật của ngành. Tại Hội nghị có 170 báo cáo của các nhà khoa học thuộc 13 tiểu ban.
PGS.TS Phạm Văn Cương- Phó Hiệu trưởng Nhà trường báo cáo tổng kết, đánh giá về hoạt động Khoa học công nghệ trong 10 năm (2001-2010), nhiệm vụ và giải pháp phát triển hoạt động Khoa học công nghệ trong giai đoạn 2011-2020. Trong giai đoạn 2001-2010, cán bộ giáo viên của Trường đã chủ trì và thực hiện 03 đề tài cấp Nhà nước, 1 dự án SXTN cấp Nhà nước, 54 đề tài cấp Bộ và Thành phố, 617 đề tài NCKH cấp Trường của CBGV và trên 172 đề tài NCKH của sinh viên với tổng số 65 giải cấp quốc gia, trong đó có 05 giải Nhất, 02 giải nhì, 06 giải Ba và 52 giải khuyến khích sinh viên NCKH. Số lượng trung bình các đề tài được nghiệm thu trong giai đoạn 2006-2010: Đề tài cấp cơ sở 62, đạt tỉ lệ 11 cán bộ giảng dạy trên 1 đề tài; Đề tài cấp Bộ và tương đương: 5; 2,5 năm có một đề tài cấp Nhà nước được nghiệm thu. Đề tài NCKH sinh viên đạt trên 15 đề tài một năm với khoảng 30 sinh viên tham gia, chiếm tỷ lệ 0.4%. Trong những năm qua, giảng viên, các nhà khoa học của Trường đã tích cực gửi đăng các công trình tại các Tạp chí chuyên ngành trong và ngoài nước, các Nội san của Trường và của các Bộ môn. Số lượng các bài báo khoa học của cán bộ giảng viên của Trường đã được công bố trong 10 năm qua là trên 900 bài, đạt tỉ lệ 0,15 bài/1 người/ 1 năm,…
Báo cáo cũng xác định được những nhiệm vụ chủ yếu của công tác Khoa học Công nghệ của Nhà trường trong giai đoạn 2011-2020 trong đó nhấn mạnh đến việc tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục một cách toàn diện, chủ động, tích cực tham gia thị trường hoạt động khoa học công nghệ, chú trọng nâng cao chất lượng nghiên cứu, đặc biệt các đề tài NCKH phải phục vụ thực tiễn công nghiệp hóa, hiện đại hóa của ngành, thành phố và đất nước, mà cụ thể là phải biến tiềm năng khoa học sẵn có thành các sản phẩm có giá trị thương mại cao mang thương hiệu VIMARU.
Phát biểu tại Hội nghị, PGS.TSKH Đặng Văn Uy- Bí thư Đảng ủy, Hiệu trường Nhà trường đánh giá cao những thành tựu khoa học đã đạt được trong 10 qua và đề nghị các nhà khoa học hãy nỗ lực cao hơn nữa để hoạt động nghiên cứu khoa học trong những năm tới phát triển nhiều hơn nữa.