Thông tin tóm tắt luận án tiến sỹ kinh tế của NCS. Đỗ Thị Mai Thơm
1. Tính cấp thiết của đề tài
Đối với nền kinh tế thị trường, vai trò của kế toán quản trị (KTQT) là công cụ hỗ trợ đắc lực cho nhà quản trị quản lý, điều hành hoạt động doanh nghiệp không còn là vấn đề tranh luận. Trong những năm gần đây, nền kế toán Việt Nam đã có những bước chuyển biến và thay đổi sâu sắc về hệ thống kế toán doanh nghiệp. Hệ thống kế toán doanh nghiệp không còn duy nhất một bộ phận kế toán tài chính (KTTC) mà bao gồm cả bộ phận KTTC và bộ phận KTQT. Kế toán quản trị đang ở trong thời kỳ phát triển để đáp ứng với những thay đổi về kỹ thuật, toàn cầu hoá và những mối quan tâm ngày càng tăng đối với việc quản trị rủi ro. Tuy nhiên, trong thực tiễn ở các doanh nghiệp Việt Nam, việc áp dụng KTQT và vai trò của KTQT còn chưa phổ biến và phát triển.
Vận tải biển là một ngành kinh tế - kỹ thuật đặc biệt, phù hợp với lợi thế vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên của Việt Nam. Vì vậy, quan điểm và mục tiêu phát triển ngành vận tải biển của Chính phủ là phát triển với tốc độ nhanh và đồng bộ để trở thành một ngành kinh tế - kỹ thuật mũi nhọn nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải đường biển của nền kinh tế quốc dân với chất lượng ngày càng cao, giá thành hợp lý, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước; tăng sức cạnh tranh của vận tải biển để chủ động hội nhập và mở rộng thị trường vận tải biển trong khu vực và trên thế giới; thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước. Sự cần thiết phải phát triển với tốc độ nhanh và quy mô lớn đã đặt ra yêu cầu cấp bách cho các doanh nghiệp vận tải biển (DNVTB) phải tổ chức công tác KTQT để đáp ứng nhu cầu thiết yếu về thông tin quản lý điều hành doanh nghiệp, đặc biệt là KTQT chi phí, tính giá thành dịch vụ vận tải nhằm kiểm soát tốt chi phí, hạ giá thành vận tải, tăng khả năng cạnh tranh và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, đáp ứng được vai trò là công cụ quản lý kinh tế trong thời kỳ mới. Do vậy, cần thiết phải có sự nghiên cứu đầy đủ, cụ thể về đặc thù hoạt động kinh doanh của các DNVTB để tổ chức KTQT chi phí, tính giá thành dịch vụ vận tải biển cho thích hợp.
Trên thực tế, việc tổ chức kế toán chi phí sản xuất và tính giá thành dịch vụ vận tải tại các DNVTB có nhiều đổi mới phù hợp với thông lệ quốc tế và chế độ kế toán mới, đã đáp ứng được yêu cầu công tác lập các báo cáo tài chính và một số yêu cầu của nhà quản trị. Tuy nhiên, công tác kế toán chi phí sản xuất và giá thành vận tải chủ yếu được thực hiện theo chức năng của KTTC, việc phân loại chi phí, xây dựng các phương trình dự toán chi phí để kiểm soát chi phí theo yêu cầu của quản trị doanh nghiệp chưa được thực hiện, phương pháp tập hợp chi phí và phân bổ chi phí chung để tính giá thành vận tải còn bộc lộ nhiều hạn chế, tính kịp thời của thông tin về giá thành vận tải cho từng chuyến đi của từng tàu, để cung cấp cho nhà quản lý trước và sau mỗi chuyến đi là chưa thực hiện được.
Xuất phát từ những vấn đề lý luận và thực tiễn nêu trên, nghiên cứu sinh đã lựa chọn đề tài: “Nghiên cứu tổ chức kế toán quản trị chi phí và giá thành trong các doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam” là đề tài nghiên cứu luận án tiến sĩ kinh tế của mình.
2. Tổng quan những công trình đã công bố nghiên cứu về tổ chức công tác kế toán quản trị chi phí và giá thành trong các doanh nghiệp
Tổ chức công tác KTQT có vai trò quan trọng trong việc kết nối giữa cơ sở lý luận với thực tế thực hành công việc kế toán ở doanh nghiệp. Về mặt lý luận, KTQT đã được nhiều tác giả trong và ngoài nước nghiên cứu rất đa dạng phong phú. Tuy nhiên, về mặt tổ chức ứng dụng, KTQT là một lĩnh vực rất khan hiếm về nguồn tài liệu hướng dẫn thực thi. Vì vậy, rất cần các đề tài nghiên cứu tổ chức KTQT chuyên sâu vào các lĩnh vực kinh tế của từng ngành cụ thể. Đã có một số luận án tiến sĩ nghiên cứu về lĩnh vực công tác KTQT, kế toán chi phí và giá thành ở các ngành dầu khí, sản xuất dược phẩm, hàng không, du lịch… nhưng chưa có đề tài nào nghiên cứu về lĩnh vực KTQT cho ngành vận tải biển (VTB).
Xuất phát từ việc tìm hiểu trên cho thấy, chưa có công trình nghiên cứu nào về KTQT dành riêng cho lĩnh vực VTB, luận án sẽ tập trung vào việc nghiên cứu để xây dựng mô hình công tác KTQT chi phí và tính giá thành vận tải chuyến đi cho các DNVTB Việt Nam. Vì vậy việc nghiên cứu mang tính cấp thiết và không bị trùng lắp.
3. Mục đích nghiên cứu của luận án
Hệ thống hoá những vấn đề lý luận cơ bản về KTQT chi phí và giá thành trong các doanh nghiệp.
Làm rõ những đặc điểm kinh doanh của ngành vận tải biển, đặc thù riêng của sản phẩm dịch vụ vận tải biển. Phân tích các nhân tố ảnh hưởng, chi phối đến sự biến đổi liên tục, phức tạp của chi phí và giá thành dịch vụ vận tải biển trong từng chuyến đi của tàu.
Trên cơ sở lý luận và nghiên cứu thực trạng công tác kế toán chi phí và giá thành tại các doanh nghiệp vận tải biển (DNVTB) Việt Nam hiện nay, luận án đề ra các nguyên tắc, phương hướng và các giải pháp cụ thể để xây dựng mô hình tổ chức thực hiện công tác KTQT chi phí và giá thành trong các DNVTB Viêt Nam theo hướng kết hợp với kế toán tài chính.
Xem chi tiết tại đây