TRƯỜNG ĐẠI HỌC HÀNG HẢI VIỆT NAM

VIETNAM MARITIME UNIVERSITY

Hội nghị chuyên đề “Giảng dạy và học tập định hướng TOEIC 450 điểm – Thực trạng, khó khăn và giải pháp”.

Để nâng cao chất lượng đào tạo và đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các nhà tuyển dụng, từ khóa 50, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam đã áp dụng chuẩn đầu ra về chuyên môn, tin học, ngoại ngữ đối với sinh viên tốt nghiệp bậc đại học chính quy. Nhà trường đã lựa chọn chuẩn Toeic quốc tế là thước đo đánh giá trình độ ngoại ngữ của sinh viên trước khi tốt nghiệp nhưng trong quá trình thực hiện đã nảy sinh ra vấn đề là có một số sinh viên chưa đạt được mức điểm tối thiểu theo quy định để làm điều kiện xét tốt nghiệp dù đã hoàn thành tất cả các học phần trong chương trình đào tạo. Đứng trước thực trạng đó, 08h00 ngày 4/10/2014, tại Hội trường lớn, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam đã tổ chức Hội nghị chuyên đề: “Giảng dạy và học tập định hướng TOEIC 450 điểm- Thực trạng, khó khăn và giải pháp” dưới sự chủ trì của TS Phạm Xuân Dương- Phó Hiệu trưởng Nhà trường. Tới dự có lãnh đạo đại diện của IIG Việt Nam và Smartcom Việt Nam, Thủ trưởng các đơn vị, cán bộ, giảng viên thuộc Khoa Ngoại ngữ, Trung tâm Ngoại ngữ Hàng hải, Viện, Khoa cùng đông đảo các em sinh viên quan tâm tới dự.

Chuẩn đầu ra tiếng Anh là một “chuẩn thành phần” của chuẩn đầu ra, không phải với tư cách là một mô - đun hay học phần, và bởi tính độc lập tương đối mang tính đặc thù nên có thể xem như một “chuẩn điều kiện”. Sinh viên tốt nghiệp ngoài chuẩn kiến thức trình độ chuyên môn, tính kỉ luật, tác phong công nghiệp mà còn có cả chuẩn Toeic, Tin học. Việc chọn bài thi quốc tế TOEIC,IELTS, TOEFL, hoặc CFE Châu Âu để đánh giá chuẩn đầu ra ngoại ngữ là cần thiết, phù hợp với xu thế và yêu cầu của thị trường lao động do tính phổ biến, khách quan và được quốc tế công nhận rộng rãi, có thang điểm rộng có thể đánh giá mọi trình độ sử dụng Anh ngữ, tổ chức thi thuận tiện, chi phí hợp lý và tính bảo mật cao. Quy trình triển khai chuẩn đầu ra cần có lộ trình phù hợp với thực trạng, trình độ ngoại ngữ của người học cũng như nhận thức của cán bộ giảng viên và sinh viên trong toàn Trường.

Hiểu được tầm quan trọng như thế nên Hội nghị diễn ra hết sức hiệu quả đối với giảng viên, sinh viên. Hầu hết các câu hỏi xoay quanh các vấn đề như: phương pháp, kĩ năng để đạt được chuẩn đầu ra tiếng Anh, các em sinh viên mong muốn tăng số tiết học thực hành trên lớp để các em được thực hành nghe nói nhiều hơn nữa nhằm nâng cao khả năng nghe-nói, hỗ trợ học phí tại các trung tâm,...từng câu hỏi của các em đều được các lãnh đạo, giảng viên khoa Ngoại ngữ trả lời một cách thỏa đáng.

Kết luận tại Hội nghị, TS Phạm Xuân Dương mong muốn các em sinh viên hãy nâng cao tính tự học, tự tìm tòi; các phòng, ban, khoa, trung tâm, Đoàn Thanh niên- Hội sinh viên phối kết hợp chặt chẽ, tham mưu cho Nhà trường nhằm đưa chất lượng đào tạo ngày một tốt hơn nữa đáp ứng nhu cầu thiết yếu của thị trường trong nước và quốc tế.

Chuẩn hóa năng lực về tiếng Anh và Tin học cho sinh viên tốt nghiệp bằng các chứng chỉ quốc tế uy tín chính là một bước đi đúng đắn và nhạy bén của Trường Đại học Hàng hải Việt Nam, nhằm trang bị cho sinh viên của Trường những công cụ quan trọng để thành công khi bước chân vào thị trường lao động có xu hướng mở rộng ra khu vực và toàn cầu.