Hải Phòng phát triển khoa học công nghệ phục vụ kinh tế biển
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cho biết Hải Phòng đẩy mạnh các nghiên cứu phát triển bền vững kinh tế biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo, quốc phòng, an ninh quốc gia.
Hàng hóa được thông qua Cảng quốc tế Hải Phòng. (Ảnh: TTXVN)
Theo định hướng trong Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Hải Phòng trở thành trọng điểm phát triển khoa học, công nghệ biển của cả nước.
Để đạt mục tiêu này, Hải Phòng đưa ra một số định hướng phát triển khoa học công nghệ, trong đó chú trọng đến việc nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng các đề tài sát thực với chiến lược phát triển của thành phố.
Đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế thành phố
3 trụ cột phát triển kinh tế được Hải Phòng xác định gồm công nghiệp công nghệ cao; cảng biển và logistics; du lịch và thương mại. Những định hướng lớn này đều trên nền tảng thế mạnh của địa phương ven biển.
Mới đây, trong buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cho biết Hải Phòng là cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc, trọng điểm phát triển kinh tế biển của cả nước.
[Xây dựng thành phố Hải Phòng, tạo động lực phát triển Vùng Bắc Bộ]
Quy mô kinh tế của thành phố không ngừng mở rộng, duy trì vị trí thứ hai trong vùng đồng bằng sông Hồng, sau Hà Nội. Kinh tế của thành phố tăng trưởng cao, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) giai đoạn 2016-2020 tăng bình quân 14,02%/năm, gấp 2,1 lần tốc độ tăng trưởng của cả nước (6,68%/năm).
Đóng góp vào sự phát triển chung này của thành phố phải kể đến hoạt động nghiên cứu, ứng dụng phát triển khoa học công nghệ. Cụ thể, lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao và ứng dụng công nghệ cao có sự phát triển mạnh mẽ.
Tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm phẩm ứng dụng công nghệ cao trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp của thành phố năm sau luôn cao hơn năm trước, năm 2019 đạt 39,5%, đến năm 2021 đạt 40,12%. Tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo tăng nhanh từ 16,4% năm 2015 lên 50% vào năm 2021.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, thành phố tăng cường nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, nhất là trong nhân giống và nuôi thương phẩm các giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản có giá trị kinh tế.
Việc ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch, góp phần thay đổi mạnh về năng suất và chất lượng các sản phẩm cây trồng. Giá trị sản phẩm trồng trọt và thủy sản trên 1 ha đất của Hải Phòng tăng từ 72,95 triệu đồng/ha/năm (năm 2008) lên 169,1 triệu đồng/ha (năm 2021).
Một thế mạnh nổi trội trong tiếp cận công nghệ ưu việt của nước ngoài phục vụ phát triển kinh tế biển tại Hải Phòng đó chính là các phiên kết nối cung-cầu công nghệ giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp nước ngoài do Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng là đầu mối.
Trong 2 năm 2020-2021, Hải Phòng tổ chức 9 phiên kết nối với hơn 5.000 cuộc gặp gỡ, trao đổi, liên hệ mua, bán công nghệ, thiết bị giữa doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Israel, Đức, Hà Lan.
Cũng từ các phiên kết nối này, các doanh nghiệp đã tiếp cận nhiều công nghệ tiên tiến quản lý cảng biển, phát triển kinh tế biển của các quốc gia phát triển.
Chú trọng phát triển nhân lực, chuyển giao khoa học công nghệ
Là đơn vị trực tiếp đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế biển, Hiệu trưởng Trường Đại học Hàng hải Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Xuân Dương đánh giá, một trong những động lực then chốt thúc đẩy, duy trì sự phát triển bền vững kinh tế biển của thành phố là đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ biển gắn với bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường, trong đó nguồn nhân lực khoa học là yếu tố đóng vai trò cốt lõi.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Xuân Dương chia sẻ một số nội dung để thành phố Hải Phòng phát triển khoa học công nghệ biển nói chung và nhân lực khoa học công nghệ biển nói riêng.
Thành phố cần đưa ra dự báo về nhu cầu nguồn nhân lực cho các ngành kinh tế biển, xác định thay đổi cơ cấu việc làm, từ đó sẽ có cơ chế chính sách mới, đặc thù và phù hợp với phát triển nhân lực khoa học và công nghệ biển.
Về định hướng hướng của Trường Đại học Hàng hải Việt Nam trong phát triển nhân lực khoa học và công nghệ biển, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Xuân Dương cho biết nhà trường tăng cường mối liên kết với các doanh nghiệp, xác định doanh nghiệp đóng vai trò đòn bẩy kích thích sáng tạo và chuyển giao công nghệ, tiếp nhận sản phẩm đào tạo từ nhà trường.
Trường Đại học Hàng hải Việt Nam phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng tham mưu với thành phố xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù phát huy sức mạnh và năng lực nghiên cứu, cơ sở vật chất của nhà trường ngang tầm trường trọng điểm quốc gia, có tầm cỡ khu vực và quốc tế.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Xuân Dương đề xuất với Chính phủ, các bộ, ngành liên quan cần có chính sách vừa mang tính khuyến khích, vừa mang tính ràng buộc đối với những đơn vị sản xuất có trách nhiệm liên kết hợp tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ với các trường đại học, để các trường có nguồn kinh phí đầu tư.
Liên quan đến việc chuyển giao công nghệ, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Quân, Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường biển đề xuất, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các đơn vị liên quan chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển Hải Phòng thành thành phố Cảng xanh, chống sa bồi cảng, công nghệ lọc nước phục vụ đảo Bạch Long Vỹ.
Về định hướng của thành phố Hải Phòng trong lĩnh vực khoa học công nghệ biển, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cho biết Hải Phòng đẩy mạnh các nghiên cứu phát triển bền vững kinh tế biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo, quốc phòng, an ninh quốc gia.
Bên cạnh đó, thành phố định hướng các đơn vị liên quan nghiên cứu quản lý và khai thác có hiệu quả tài nguyên biển, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ mới trong phát triển các ngành kinh tế biển quan trọng của thành phố như cảng biển, dịch vụ cảng và hàng hải, dịch vụ du lịch, công nghiệp đóng tàu, dịch vụ hậu cần nghề cá, nuôi trồng, đánh bắt, chế biến hải sản.
Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu các giải pháp phục vụ bảo vệ môi trường biển, phòng chống suy thoái hệ sinh thái của các khu vực đảo, ven biển, bảo vệ các hệ sinh thái đặc thù, cảnh báo thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Nghiên cứu ứng dụng công nghệ xử lý nước biển thành nước ngọt cũng là một trong những định hướng khoa học công nghệ biển của Hải Phòng thời gian tới./.