Hội thảo những vấn đề pháp lý và thực tiễn trong hoạt động phòng, chống buôn bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã trên tuyến đường biển từ Châu Phi về Việt Nam
Việt Nam là một trong những nước sở hữu nhiều làng nghề truyền thống chuyên chế tác các sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm từ ngà voi. Tuy nhiên, theo thời gian, tình hình buôn bán, khai thác ngà voi đang diễn ra ngày càng phức tạp với quy mô không ngừng mở rộng. Theo điều tra của Mạng lưới giám sát thương mại động vật hoang dã (TRAFFIC), tính riêng trong giai đoạn từ 1990 tới 2017, Việt Nam có tới 19 địa phương trên cả nước xuất hiện tình trạng buôn bán các sản phẩm từ ngà voi. Số liệu thống kê của WCS về các vụ vi phạm liên quan đến vận chuyển trái phép động vật hoang dã cho thấy trong giai đoạn từ 2015 đến 8/2022 có tới 34 vụ việc bị bắt giữ trên tuyến đường biển.
Toàn cảnh Hội thảo
Đáng chú ý, trong giai đoạn 2010 - 2021, cơ quan Hải quan của Việt Nam đã phát hiện và bắt giữ nhiều vụ việc buôn bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã từ Châu Phi về Việt Nam bằng đường biển. Nguyên nhân do đường biển có thể chuyên chở khối lượng lớn, chi phí rẻ và hệ thống soi chiếu, giám sát cũng không đầy đủ và hiện đại như đường hàng không.
Vì vậy, nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu khoa học về các loại tội phạm xuyên quốc gia nói chung, tội phạm buôn bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã trên các tuyến đường biển nói riêng, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam đã tham gia Hội thảo “Những vấn đề pháp lý và thực tiễn trong hoạt động phòng, chống buôn bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã trên tuyến đường biển từ châu Phi về Việt Nam” do Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp cùng với Tổ chức Wildlife Conservation Society (WCS) - tại Việt Nam tổ chức.
Hội thảo được tổ chức vào ngày 28/9/2022 tại thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với sự tham dự của hơn 20 đơn vị gồm: Trường Đại học Hàng hải Việt Nam; Tổ chức Wildlife Conservation Society (WCS) - tại Việt Nam; Cục Hàng Hải Việt Nam; Tổng cục Hải quan; Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường - Bộ Công An; Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát Biển; Cảng vụ Hàng hải Quảng Ninh; Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng; Cảng vụ Hàng hải Thành phố Hồ Chí Minh;...
Hội thảo hướng đến 03 mục tiêu lớn: cập nhật và thảo luận về việc tình trạng buôn bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã (ĐVHD) trên tuyến đường biển từ các nước Châu Phi nói chung và từ các nước Trung Phi nói riêng về Việt Nam; chia sẻ kết quả nghiên cứu về hoạt động quản lý rủi ro đối với mặt hàng là ĐVHD được vận chuyển trên tuyến đường biển từ châu Phi về Việt Nam; trao đổi, thảo luận về các biện pháp tăng cường kiểm soát, ngăn chặn, điều tra, xử lý các vụ việc vận chuyển trái phép ĐVHD từ châu Phi về Việt Nam và thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam với các nước châu Phi, đặc biệt là các quốc gia Trung Phi trong việc xử lý các vụ việc vận chuyển trái phép ĐVHD về Việt Nam.
Đại biểu từ hơn 20 cơ quan, đơn vị tham gia Hội thảo
Về phía Trường Đại học Hàng hải Việt Nam, tham dự hội thảo gồm có: PGS. TS. Nguyễn Hồng Vân - Phó Bí thư Đảng ủy, Trưởng phòng Quan hệ Quốc tế; PGS. TS. Nguyễn Mạnh Cường - Trưởng Khoa Hàng hải; PGS. TS. Nguyễn Thành Lê - Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Tư vấn Luật Hàng hải, Trưởng bộ môn Luật Hàng hải; cùng các giảng viên bộ môn Hàng hải.
ThS. Nguyễn Đình Thúy Hường trình bày tham luận tại Hội thảo
Các diễn giả của Trường Đại học Hàng hải Việt Nam cũng tham gia 2 trong tổng số 10 bài tham luận và đóng góp ý kiến cùng nhiều bài nghiên cứu khoa học có giá trị đến từ Khoa Hàng hải, trong đó có bài nghiên cứu về “Sử dụng bộ quy tắc ROCCIPI nhằm thiết kế các biện pháp ngăn chặn hoạt động vận chuyển trái phép ĐVHD, động vật nguy cấp, quý hiếm bằng đường biển” do TS. Nguyễn Thành Lê và ThS. Nguyễn Đình Thúy Hường thực hiện, và bài “Nghiên cứu pháp luật về phòng, chống buôn bán, vận chuyển trái phép ĐVHD bằng đường biển dưới góc độ luật so sánh” do TS. Nguyễn Văn Trưởng thực hiện. Đây đều là những bài nghiên cứu mang tính áp dụng thực tiễn cao trong hoạt động phòng, chống buôn bán, vận chuyển trái phép ĐVHD trên tuyến đường biển.
TS. Nguyễn Văn Trưởng báo cáo kết quả Nghiên cứu pháp luật về phòng, chống buôn bán, vận chuyển trái phép ĐVHD bằng đường biển
Hội thảo đã diễn ra thành công tốt đẹp với đa dạng góp ý từ các đơn vị liên quan, qua đó góp phần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc bảo vệ động vật hoang dã, cũng như chung tay kêu gọi sự tham gia của cộng đồng trong bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.