Hội nghị Bộ môn năm học 2022-2023 với chủ đề “Thực hiện đổi mới chương trình đào tạo đáp ứng mục tiêu, chuẩn đầu ra; tiếp tục thực hiện chuyển đổi số trong Nhà trường”
Từ ngày 27-28/10/2022, tại Vĩnh Phúc, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam đã tổ chức Hội nghị Bộ môn năm học 2022-2023 với chủ đề “Thực hiện đổi mới chương trình đào tạo đáp ứng mục tiêu, chuẩn đầu ra; tiếp tục thực hiện chuyển đổi số trong Nhà trường” với sự tham gia của gần 135 đại biểu gồm các lãnh đạo Đảng ủy, Hội đồng Trường, Ban giám hiệu, Công đoàn, Đoàn TNCSHCM, cán bộ chủ chốt các đơn vị, Trưởng các bộ môn.
Toàn cảnh Hội nghị
PGS.TS Phạm Xuân Dương - Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu khai mạc
Phát biểu tại Hội nghị, PGS.TS Phạm Xuân Dương - Phó Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường cho biết: Bước vào năm học 2022-2023, là năm thứ 4 triển khai Nghị quyết 36/NQ-TW về “Phát triển bền vững Kinh tế biển VN đến 2030, tầm nhìn 2045” và Nghị quyết 45/NQ-TW về “Phát triển thành phố Hải Phòng đến 2030, tầm nhìn đến 2045”.
Bên cạnh đó, trong những năm qua, chất lượng đào tạo của Trường Đại học Hàng hải Việt Nam được nâng cao. Vì vậy, thực hiện đổi mới chương trình đào tạo đáp ứng mục tiêu, chuẩn đầu ra; tiếp tục thực hiện chuyển đổi số trong Nhà trường là một nhu cầu tất yếu nhằm nâng cao khả năng hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học nói riêng và của tất cả các cơ quan, tổ chức nói chung. Đặc biệt trong bối cảnh triển khai tự chủ giáo dục đại học hiện nay thì nhu cầu triển khai các hoạt động giáo dục và đào tạo theo định hướng tinh gọn, thiết thực, hiệu quả càng trở nên cấp bách. Cần có các giải pháp cụ thể để góp phần xây dựng và phát triển Nhà trường trong giai đoạn hiện nay bởi nó tác động rất nhiều đến chất lượng đầu ra, đó cũng chính là nguồn lực cho doanh nghiệp cũng như nguồn lực chính để chuyển đổi số quốc gia.
PGS.TS Phạm Văn Thuần báo cáo tổng kết công tác đào tạo năm học 2021-2022, phương hướng hoạt động đào tạo năm học 2022-2023
Tại Hội nghị, PGS.TS Phạm Văn Thuần - Trưởng phòng Đào tạo báo cáo tổng kết công tác đào tạo năm học 2021-2022, phương hướng hoạt động đào tạo năm học 2022-2023. Đó như là một bức tranh tổng thể về hoạt động giáo dục và đào tạo của Trường Đại học Hàng hải Việt Nam trong những năm qua như: công tác tuyển sinh ở các chương trình đào tạo cao đẳng, đại học, sau đại học, vừa học vừa làm; công tác xây dựng, vận hành chương trình đào tạo; công tác tổ chức giảng dạy và học tập và kết quả học tập, xét tốt nghiệp và cấp phát bằng tốt nghiệp. Đây là nhân tố chính góp phần tạo nên giá trị cốt lõi, sự khác biệt của Trường Đại học Hàng hải Việt Nam với những trường khác và cũng là yếu tố góp phần thu hút người học đến với Nhà trường.
Để chuẩn bị cho Hội nghị, Ban Tổ chức đã tiếp nhận 18 báo cáo tham luận của các đơn vị liên quan. Hội nghị đã nghe 15 báo cáo tham luận của đại diện các đơn vị, bộ môn, 18 ý kiến phát biểu trực tiếp tại Hội nghị. Thay mặt Đoàn chủ tịch, Hiệu trưởng đã giải đáp các đề xuất, kiến nghị, tập trung phân tích nguyên nhân, giải pháp và định hướng vai trò của từng tập thể, cá nhân trong nâng cao chất lượng tuyển sinh, đào tạo, chỉnh sửa chương trình đào tạo và kết luận giao nhiệm vụ cho các đơn vị, cá nhân trong năm học 2022-2023. Cụ thể như sau:
Thứ nhất: các khoa/viện hoàn thành chỉnh sửa chương trình đào tạo đại học chính quy đáp ứng mục tiêu, chuẩn đầu ra kịp triển khai cho khóa 64 là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của năm học. Chương trình đào tạo là xương sống cho các hoạt động đào tạo của Nhà trường. Một chương trình đào tạo có thể ảnh hưởng đến nhiều thế hệ sinh viên. Có chương trình đào tạo tốt thì chất lượng giáo dục và đào tạo mới được nâng cao. Các chương trình đào tạo đại học của Trường có mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh trên thế giới. Vì vậy, các nội dung của chương trình đào tạo mới phải thể hiện rõ được khả năng đáp ứng mục tiêu này. Ngoài ra, chúng ta đã phát hiện ra nhiều tồn tại trong quá trình xây dựng các chương trình đào tạo trước mà phần nhiều liên quan đến kiểm soát logic giữa các phần của chương trình đào tạo. Những hạn chế này cần được tập trung loại bỏ trong quá trình xây dựng các chương trình.
Thứ hai: trách nhiệm xây dựng, kiểm soát chương trình đào tạo trước hết là của trưởng các khoa/viện chuyên môn. Để các chương trình đào tạo có thể được xem xét thông qua ở cấp Trường, trưởng các khoa/viện phụ trách xây dựng các chương trình đào tạo này phải chịu trách nhiệm chính trong kiểm soát logic của chương trình đào tạo, tính liên thông giữa các khối kiến thức ngành, khối ngành, phân nhiệm chuẩn đầu ra cho học phần cũng như thiết kế hoạt động giảng dạy, đánh giá đạt chuẩn đầu ra của học phần. Đối với các học phần học chung cho toàn Trường, cho nhóm ngành, trách nhiệm kiểm soát phân nhiệm chuẩn đầu ra cho học phần cũng như thiết kế hoạt động giảng dạy, đánh giá đạt chuẩn đầu ra của học phần thuộc về trưởng các khoa/viện, trưởng bộ môn quản lý học phần đó.
Thứ ba: xác định tuyển sinh là tiền đề quan trọng để triển khai tự chủ đại học. Cả hệ thống chính trị cần tiếp tục phát huy các thành công trong công tác tuyển sinh 2021-2022, tìm kiếm các giải pháp mới trong công tác quảng bá tuyển sinh nhằm đảm bảo nguồn tuyển, nâng cao chất lượng tuyển sinh đầu vào của tất cả các hệ đào tạo trong Trường.
Thứ tư: cần nỗ lực hoàn thành đánh giá kiểm định Trường và kiểm định 4 chương trình đào tạo đại học trong năm học. Xây dựng và triển khai kế hoạch kiểm định các chương trình đào tạo cho năm học 2023-2024 với trọng tâm là kiểm định các chương trình đào tạo chất lượng cao.
Thứ năm: tiếp tục đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số trong hoạt động giáo dục và đào tạo của Nhà trường. Hoàn thiện và đưa vào sử dụng các ứng dụng nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, giảm thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ tốt hơn cho người học, giảng viên, phụ huynh sinh viên. Tăng cường thu hút đầu tư về hạ tầng công nghệ thông tin làm cơ sở để triển khai chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo.
Thứ sáu: tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy các hoạt động phục vụ cộng đồng trong Trường tập trung vào nâng cao hiệu quả kết nối doanh nghiệp, kết nối phụ huynh, sinh viên. Thực hiện thay đổi mô hình công tác cố vấn học tập theo định hướng giảm tải cho giảng viên, nâng cao hiệu quả quản lý, gắn kết sinh viên, tăng cường công tác tư vấn, hỗ trợ sinh viên trong học tập và rèn luyện.
Thứ bảy: tiếp tục các hoạt động cải tiến chất lượng giảng dạy, học tập, đánh giá góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo của Nhà trường, tăng tỷ lệ tốt nghiệp của sinh viên. Tăng cường các hoạt động dự giờ, hội thi, hội thảo nhằm nâng cao khả năng chuyên môn của giảng viên trong giảng dạy, đánh giá. Kiểm soát tốt việc thực hiện đề cương học phần nhằm đảm bảo giảng dạy, học tập đáp ứng chuẩn đầu ra.
Thứ tám: đẩy nhanh xây dựng các quy định liên quan đến chi trả thu nhập cho người lao động, xây dựng quy chế về đánh giá hiệu quả lao động, các quy định về khen thưởng và kỷ luật trong Trường tạo cơ chế khuyến khích lao động, nâng cao năng suất lao động của cán bộ, giảng viên và người lao động Nhà trường. Tiếp tục hoàn thiện các quy định, quy chế hiện hành để triển khai các hoạt động của Trường theo hướng tinh gọn, hiệu quả.
Thứ chín: tiếp tục thúc đẩy các hoạt động NCKH của giảng viên, sinh viên theo định hướng công trình gắn với sản phẩm KHCN cụ thể. Tích cực tìm kiếm các nguồn đầu tư cho KHCN từ các nguồn ngoài Bộ GTVT. Tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ công bố quốc tế.
Hội nghị Bộ môn mở rộng năm học 2022-2023 đã được tổ chức thành công tốt đẹp, hứa hẹn nhiều thành công trong năm học mới của Trường Đại học Hàng hải Việt Nam trên con đường xây dựng Trường đại học trọng điểm quốc gia.