Hội nghị giao ban vùng và hội thảo khoa học: “Ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Hồng”
Hội nghị giao ban vùng và hội thảo khoa học: “Ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Hồng”
Sáng 12/5, tại Tp.Nam Định, PGS. TS. Phạm Xuân Dương - Hiệu trưởng Trường Đại học Hàng hải Việt Nam tham dự và có bài tham luận tại "Hội nghị Khoa học và Công nghệ Vùng Đồng bằng sông Hồng và triển khai Nghị quyết số 14/NQ-CP của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển KT-XH và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045"do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Ủy bân nhân dân tỉnh Nam định đồng tổ chức. Đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ Hội thảo khoa học và Hội nghị giao ban Khoa học và Công nghệ vùng Đồng bằng sông Hồng lần thứ XIII năm 2023.
Đồng chí Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ phát biểu tại hội nghị giao ban Khoa học và Công nghệ vùng Nam đồng bằng sông Hồng.
Hội nghị nhằm thúc đẩy hợp tác, phát triển trong lĩnh vực Khoa học và Công nghệ, góp phần đưa ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bằng Sông Hồng và quán triệt Chương trình hành động của Bộ KH và CN thực hiện Nghị quyết số 14/NQ-CP của Chính phủ về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam đã có tham luận “Khai thác, phát huy có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của vùng đồng bằng sông Hồng, đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistics theo hướng hiện đại, từng bước tham gia sâu vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu” do PGS.TS Phạm Xuân Dương - Hiệu trưởng Nhà trường trình bày.
Tham luận đưa ra được những tồn tại, hạn chế đối với logistics của từng địa phương khu vực đồng bằng sông Hồng, đặc biệt là tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh chưa được phát huy tương xứng với tiềm năng, lợi thế và yêu cầu của quá phát triển hiện đại hóa, hội nhập quốc tế hiện nay.
Để góp phần đưa ra được những định hướng phát triển của ngành dịch vụ logistics hội nhập toàn cầu theo quan điểm chỉ đạo trong Nghị quyết số 36-NQ/TW, đặc biệt Nghị quyết 30-NQ/TW năm 2022 của Bộ Chính trị, Chính phủ đưa vào Nghị quyết số 14/NQ-CP của Chính phủ ngày 08/02/2023 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23 tháng 11 năm 2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045: “Đầu tư, xây dựng Trường Đại học Hàng hải Việt Nam là trường trọng điểm quốc gia, nghiên cứu khoa học - công nghệ biển, đào tạo nhân lực đạt trình độ ngang bằng các nước phát triển trong khu vực để phục vụ phát triển kinh tế biển”. Đây thực sự là dấu mốc quan trọng để Nhà trường có được các hỗ trợ cần thiết đầu tư phát triển Trường trong thời gian tới.
PGS.TS. Phạm Xuân Dương - Hiệu trưởng Nhà trường trình bày tham luận tại Hội nghị |
Trường Đại học Hàng hải Việt Nam với vị thế là trường trọng điểm quốc gia nghiên cứu, đào tạo phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển đã đưa ra một những kiến nghị, đề xuất về việc để có thể khai thác, phát huy có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của vùng đồng bằng Sông Hồng, đẩy mạnh phát triển dịch vụ logisitics theo hướng hiện đại, từng bước tham gia sâu vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, bên cạnh các giải pháp chung phát triển vùng về cơ chế chính sách đẩy mạnh liên kết vùng, phát huy hết năng lực và đúng với vai trò của từng địa phương, tạo sự kết nối vận tải đa phương thức, thúc đẩy ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số trong công tác quản lý của nhà nước và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, cần chú trọng đến các giải pháp về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực logistics, như:
- Xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách, quy định về các kiến thức, kỹ năng bắt buộc phải có đối với các cán bộ quản lý, vận hành, công nhân lao động trong lĩnh vực logistics để chuẩn hoá, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực logistics.
- Kiểm định, đánh giá, công nhận các cơ sở đủ điều kiện đào tạo kiến thức, kỹ năng cho lao động logistics, trong đó lấy Trường Đại học Hàng hải Việt Nam và Trung tâm đào tạo Logistics Tiểu vùng Mekong - Nhật Bản tại Việt Nam làm hạt nhân để đào tạo giảng viên, hướng dẫn viên, cán bộ, công nhân logistics cho vùng đồng bằng sông Hồng nói riêng, Việt Nam và khu vực nói chung.
- Có chính sách quan tâm phát triển các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực và các viện nghiên cứu chuyên ngành nhằm tạo bước đột phá để phát triển nhân lực logistics đi trước một bước. Trong đó, cần tập trung đầu tư trọng điểm cho Trường Đại học Hàng hải Việt Nam và Trung tâm đào tạo Logistics Tiểu vùng Mekong - Nhật Bản tại Việt Nam trở thành trung tâm nghiên cứu, đào tạo, huấn luyện logistics hàng đầu khu vực ASEAN.
- Tiếp tục phát huy vai trò của các chương trình đào tạo trung và ngắn hạn được thực hiện bởi các viện, trung tâm, hiệp hội và các công ty đào tạo. Hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức này có kế hoạch hợp tác với các chuyên gia hoặc tổ chức nước ngoài tại các quốc gia có dịch vụ logistics phát triển mạnh và hiệu quả.
- Tăng cường công tác phân luồng, định hướng nghề nghiệp. Đây là nhiệm vụ cần thực hiện từ các bậc học phổ thông, với mục tiêu giúp cho người học hiểu rõ về nghề nghiệp và thu hút được nguồn tuyển sinh chất lượng cho các cơ sở đào tạo. Thực tế cho thấy, công tác truyền thông của ngành logistics hiện đang được thực hiện khá tốt, khi cả điểm tuyển sinh và số lượng tuyển sinh chuyên ngành logistics ở hầu hết các trường đều đang ở mức cao. Tuy nhiên, để tránh trào lưu nhất thời, công tác này cần đẩy mạnh hơn nữa để người học lựa chọn chuyên ngành đúng và phù hợp với tố chất cá nhân.
- Tăng cường kết nối đào tạo trong và ngoài nước cũng như kết nối đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp. Quan niệm về việc đào tạo là nhiệm vụ của riêng các trường học cần được thay đổi. Nguồn nhân lực cũng giống như tất cả các nguồn lực khác của doanh nghiệp, cần được phát triển theo chuỗi. Theo khảo sát của tổ chức Australian Aid cho thấy, đa số các doanh nghiệp mới chỉ đang tham gia đào tạo ở hoạt động thực tập sinh mà các hoạt động khác vẫn còn rất hạn chế. Chỉ có 43% doanh nghiệp tham gia định hướng nghề nghiệp, 38% doanh nghiệp tham gia phát triển chương trình đào tạo và 8% doanh nghiệp không tham gia bất kỳ hình thức nào. Các mô hình kết nối doanh nghiệp, thực tập sinh hiệu quả, đưa sinh viên tiếp cận thực tế và môi trường doanh nghiệp từ khi còn đang học cần được phát triển và nhân rộng. Sự phối hợp giữa các hiệp hội đào tạo và hiệp hội doanh nghiệp có vai trò trung tâm trong quá trình này. Ngoài ra, công tác hợp tác quốc tế cũng mang lại giá trị cho các cơ sở đào tạo về đào tạo giảng viên, nâng cao năng lực cơ sở vật chất, phát triển nghiên cứu khoa học và đổi mới chương trình đào tạo.
- Đẩy nhanh chuyển đổi số trong giáo dục đào tạo. Xu hướng chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin là tất yếu trong logistics, nó đòi hỏi người học phải được tiếp cận chuyển đổi số từ khi còn đang trên ghế nhà trường. Ngoài ra, yêu cầu thực tế từ tác động của dịch bệnh cũng khiến cho các cơ sở đào tạo phải nhanh chóng thích nghi và chuyển đổi, đáp ứng tốt nhất nhu cầu học trực tuyến, đảm bảo tính tương tác và chất lượng đào tạo.
Song song với việc thực hiện các chiến lược phát triển đồng bộ, việc cải cách thủ tục hành chính, phát huy và nâng cao vai trò của các hiệp hội như Hiệp hội doanh nghiệp logistics Việt Nam (VLA), Hiệp hội phát triển nhân lực logistics Việt Nam (VALOMA), hiệp hội logistics địa phương (như tại Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh/thành phố khác), cũng như tháo gỡ khó khăn, nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu của các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu cũng góp phần cho mục tiêu chung của ngành dịch vụ logistics khu vực sông Hồng nói riêng và cả nước nói chung.
Với những định hướng, đề xuất tham luận tại Hội nghị, Nhà trường đã được các đại biểu tham dự đánh giá cao, có thể đề xuất đưa vào triển khai thực hiện trong thời gian tới.