Khai mạc khóa đào tạo số 2 thuộc Dự án "Nâng cao năng lực Trung tâm đào tạo logistics Tiểu vùng Mekong - Nhật Bản tại Việt Nam, giai đoạn 2".
Sáng ngày 16/12 tại Khu Quán Nam, Trung tâm Đào tạo logistics Tiểu vùng Mekong- Nhật Bản tại Việt Nam đã khai mạc khóa đào tạo số 2 cho các nước CLMV (Lào, Campuchia, Myanmar và Việt Nam) thuộc Dự án "Nâng cao năng lực Trung tâm đào tạo logistics Tiểu vùng Mekong - Nhật Bản tại Việt Nam, giai đoạn 2". Khóa đào tạo sẽ được diễn ra từ 16/12 đến 20/12/2019.
Tham dự buổi Khai mạc có PGS.TS Phạm Xuân Dương- Hiệu trưởng Trường Đại học Hàng hải Việt Nam, Ông Yoichi Niizeki, Giám đốc Cơ quan hợp tác Giao thông Nhật Bản (JTCA) cùng lãnh đạo và chuyên viên Phòng Quan hệ quốc tế, Ban Quản lý dự án, Trung tâm Đào tạo Logistics Tiểu vùng Mekong- Nhật Bản tại Việt Nam và sự tham gia của hơn 20 học viên đến từ 4 quốc gia như Lào, Campuchia, Myanmar và Việt Nam.
PGS.TS Phạm Xuân Dương – Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu khai mạc.
Phát biểu tại Lễ Khai mạc, PGS.TS. Phạm Xuân Dương, Hiệu trưởng khẳng định: Trường Đại học Hàng Hải Việt Nam hiện là cơ sở đào tạo lớn nhất, đủ năng lực đào tạo đủ nguồn và chất lượng quốc tế về nhân lực logistics cho khu vực phía Bắc – nơi có vị trí địa chính trị quan trọng bậc nhất và là trung tâm kinh tế, văn hoá và khoa học công nghệ của cả nước, giữ vị trí, vai trò đặc biệt trong quá trình phát triển của cả nước.
Trung tâm đào tạo Logistics Tiểu vùng Mekong - Nhật Bản tại Việt Nam trực thuộc Trường Đại học Hàng hải Việt Nam, được thành lập và phát triển từ sự hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản đảm nhiệm vai trò thực hiện các khoá đào tạo ngắn hạn, khoá đào tạo chuyên sâu, bồi dưỡng nghiệp vụ theo yêu cầu của doanh nghiệp. Các khoá đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ tại Trung tâm được chia thành 2 cấp độ: quản lý và vận hành. Các khoá học quản lý gồm: Bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ quản trị logistics, chuỗi cung ứng; Quản lý kho; Quản lý vận tải; Kinh doanh logistics; Kinh doanh xuất, nhập khẩu. Các khoá học vận hành gồm: Điều khiển xe nâng; Lái xe an toàn, sinh thái; Vận hành kho; Đóng gói hàng hoá; Bốc xếp hàng hoá; Khai báo hải quan.... Các khoá đào tạo tại Trung tâm đều được hướng dẫn, chuyển giao công nghệ từ các chuyên gia Nhật Bản trực tiếp thực hiện.
Hiện nay, Nhà trường đã vận động thành công và đang triển khai giai đoạn 2 của dự án do Chính phủ Nhật Bản viện trợ qua JAIF. Mục tiêu của giai đoạn 2 của dự án là nâng cao năng lực cho trung tâm theo hướng hiện đại, đáp ứng các tiêu chuẩn đào tạo tiên tiến của Nhật Bản góp phần vào nâng cao chất lượng nguồn nhân lực logistics của khu vực.
Ông Yoichi Niizeki, Giám đốc, Cơ quan hợp tác Giao thông Nhật Bản (JTCA) phát biểu.
Được đánh giá là một trong những quốc gia sở hữu ngành Logistics phát triển nhất thế giới, thời gian gần đây, chính phủ Nhật Bản luôn tạo điều kiện để phát triển và cập nhật những tiêu chuẩn mới cho ngành Logistics, song song với việc hình thành nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua các chương trình đào tạo nghề cũng như hợp tác với các quốc gia khác đang trong giai đoạn phát triển cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực ngành Logistics và Việt Nam được xem như là một trong những đối tác chiến lược trong giai đoạn năm 2016 – 2020 tầm nhìn đến năm 2030.
Việc hợp tác đào tạo nguồn nhân lực bằng khóa đào tạo số 02 cho học viên các nước CLMV trong khuôn khổ Dự án "Nâng cao năng lực Trung tâm đào tạo logistics Tiểu vùng Mekong - Nhật Bản tại Việt Nam, giai đoạn 2” chắc chắn sẽ tạo một tiền đề vững chắc cho sự phát triển của ngành Logistics Việt Nam nói riêng và thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện giữa hai quốc gia trong những năm tới. Thông qua việc tiếp cận và cập nhật những tiêu chuẩn trong xây dựng nội dung, kế hoạch, tổ chức và các mô hình học tập khác nhau dựa trên năng lực thực hiện của học viên; Trường Đại học Hàng hải Việt Nam tin rằng những giá trị tích lũy từ khóa học này sẽ góp phần cải tiến những chương trình học hiện tại, đón đầu xu hướng phát triển của ngành Logistics trong bối cảnh kinh doanh toàn cầu như hiện nay.
Đến với khóa học, các học viên được học tập, nghiên cứu dưới sự hướng dẫn, giảng dạy của những giảng viên là những chuyên gia Nhật Bản nhiệt tình, tâm huyết, đã có hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc và giảng dạy ở các Doanh nghiệp và Trường Đại học trong và ngoài nước. Khóa học nhằm mục đích giúp học viên có kiến thức tổng quan về các trang thiết bị của phương tiện; quy trình vận hành, xếp dỡ, bảo dưỡng xe nâng; hướng dẫn thực hành lái xe (tập nguội, tập không tải, có tải, tập trong sa hình); hướng dẫn vận hành lái xe an toàn, đúng kỹ thuật cùng những nội dung như vận hành xe nâng và 5S (Seiri, Seiton, Seiso, Seiketsu và Shitsuke) đồng thời học viên cũng có cơ hội được học cách hướng dẫn bảo dưỡng kiểm tra xe trước và sau khi vận hành; tập nguội, tập không tải, tập có tải; tập trong sa hình; các thao tác kết hợp với sản xuất thực tế; đào tạo an toàn vận hành xe nâng (Theo tiêu chuẩn Nhật Bản) và thực hành 5S.