Trường Đại học Hàng hải Việt Nam – Trưởng Tiểu ban An toàn giao thông Đường thủy nội địa và Hàng hải, Hội nghị an toàn giao thông Việt Nam năm 2021
Hội nghị An toàn giao thông (ATGT) là Hội nghị thường niên do Ủy ban ATGT quốc gia tổ chức nhằm thu hút các nhà khoa học, chuyên gia, các nhà quản lý công bố, trao đổi, thảo luận các kết quả nghiên cứu khoa học, các kinh nghiệm thực tiễn trong lĩnh vực ATGT, đề xuất các giải pháp cụ thể trong công tác đảm bảo trật tự ATGT, giảm thiểu ATGT tại Việt Nam, đồng thời gia tăng hợp tác nghiên cứu khoa học giữa các cơ quan quản lý, các tổ chức nghiên cứu khoa học, các doanh nghiệp trong lĩnh vực ATGT.
Hội nghị an toàn giao thông (ATGT) Việt Nam năm 2021 (lần thứ 7) diễn ra trong hai ngày 02/12 và 03/12/2021. Hội nghị năm nay đề cập đến ATGT của tất cả các phương thức vận tải đường bộ, đường sắt, thủy nội địa, hàng hải và hàng không, chia thành 9 Tiểu ban: Quản lý an toàn giao thông; Hạ tầng và tổ chức giao thông; Phương tiện giao thông; Người tham gia giao thông; Ứng phó sau tai nạn giao thông; An toàn giao thông đường sắt; An toàn giao thông đường thủy nội địa và hàng hải; An toàn giao thông hàng không và kinh nghiệm Quốc tế về ATGT. Các Tiểu ban sẽ tiến hành họp trực tuyến đồng thời trong ngày 2/12/2021 và trực tiếp báo cáo tổng hợp kết quả làm việc của Tiểu ban trong phiên Hội nghị chính thức ngày 3/12/2021.
Với vai trò là Trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học phục vụ kinh tế biển hàng đầu của cả nước, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam vinh dự được đề cử làm Trưởng Tiểu ban ATGT Đường thủy nội địa và Hàng hải của Hội nghị ATGT Việt Nam năm 2021, đồng thời đóng góp 02 báo cáo quan trọng cho Hội nghị về các giải pháp giảm thiểu ATGT trong lĩnh vực hàng hải.
Tại phiên thảo luận của Tiểu ban trong ngày 2/12/2021 dưới sự điều hành của PGS. TS. Phạm Xuân Dương, Hiệu trưởng Trường ĐHHHVN, các thành viên Tiểu ban đã cùng với các nhà khoa học chuyên môn, các cơ quan quản lý chuyên ngành và các nhóm tác giả tiến hành trao đổi và thảo luận về các nội dung chính như sau:
- Công tác đăng kiểm phương tiện thủy nội địa chở khách du lịch và các giải pháp Cục Đăng kiểm Việt Nam đang và sẽ thực hiện trong thời gian tới: Giải pháp về xây dựng văn bản quy phạm pháp luật để tăng cường công tác quản lý và quy định về an toàn kỹ thuật đối với tàu du lịch; Giải pháp về quản lý, trong đó, nhấn mạnh sự cần thiết phải ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân cấp và đóng phương tiện thủy nội địa chở khách du lịch.
- Các quy định mới của IMO liên quan đến an toàn hàng hải và bảo vệ môi trường biển đã được các quốc gia thành viên IMO thông qua và sẽ có hiệu lực trong thời gian tới, nhằm giúp các tổ chức, cá nhân liên quan nắm bắt được thông tin, quy định mới của IMO để chuẩn bị triển khai thực hiện kịp thời, đảm bảo cho đội tàu của mình hoạt động an toàn, hiệu quả; từ đó góp phần vào nỗ lực thực hiện thành công Nghị quyết số 36-NQ/TW về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo chỉ đạo của Đảng và Chính phủ, phù hợp với mục tiêu đảm bảo an ninh, an toàn hàng hải của Bộ GTVT năm 2022 và các năm tiếp theo là: Nâng cao chất lượng kiểm tra an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, phòng ngừa ô nhiễm môi trường trong tình hình mới đối với tàu biển Việt Nam theo “Đề án Duy trì đội tàu biển Việt Nam trong danh sách Trắng – Xám của Tokyo MOU”.
- Phân tích chuyên sâu về điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức đối với hoạt động chuyển đổi số trong ngành hàng hải Việt Nam; Đề xuất một số giải pháp phát huy ưu điểm và khắc phục hạn chế, thách thức nhằm nâng cao an toàn giao thông hàng hải trên các vùng biển Việt Nam, áp dụng e-navigation vào các dịch vụ hàng hải: dịch vụ kiểm soát lưu thông tàu thuyền, dịch vụ hỗ trợ định vị, dịch vụ tổ chức giao thông, dịch vụ thông tin an toàn hàng hàng hải, dịch vụ hoa tiêu hàng hải, dịch vụ lai dắt hàng hải, dịch vụ tìm kiếm cứu nạn.
- Trao đổi về một nghiên cứu khoa học kỹ thuật phục vụ quá trình phòng tránh đâm va trong quá trình hành hải và điều động tàu, cụ thể: Xây dựng qui trình tính toán, hệ thống công thức thực nghiệm để xác định giá trị và sự thay đổi theo thời gian thực của các thành phần lực và mô men hút/đẩy tác dụng lên thân tàu theo 04 pha tương tác thủy động lực học trong suốt quá trình điều động tránh vượt của tàu ở cự ly gần cho trước. Qui trình tính toán được áp dụng cho bài tính thử nghiệm, phục vụ cho việc kiểm tra trước mức độ bảo đảm an toàn hàng hải theo thông số tàu và giá trị lựa chọn các cự ly vượt theo phương ngang cho trước, phục vụ các ứng dụng mô phỏng cảnh báo đâm va. Ngoài ra, dựa vào đặc tính biến thiên của các thành lực và mô men theo thời gian thực, có thể định lượng và phân tích quá trình tương tác theo 04 pha, từ đó xác định pha tương tác nguy hiểm nhất tiềm ẩn nguy cơ đâm va khi điều động tránh vượt.
PGS.TS. Phạm Xuân Dương – Hiệu trưởng Trường Đại học Hàng hải Việt Nam, Trưởng Tiểu ban ATGT Đường thủy nội địa và Hàng hải, Hội nghị ATGT Việt Nam 2021 điều hành phiên thảo luận trực tuyến.
Sáng ngày 03/12/2021, tại Hà Nội, Phiên toàn thể của Hội nghị ATGT Việt Nam năm 2021 đã diễn ra dưới sự điều hành của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Tham dự Hội nghị có đồng chí Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ GTVT, đồng chí Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia và 400 đại biểu đến từ 63 địa phương, lãnh đạo và đại diện các bộ, ngành Trung ương có thành viên trong Ủy ban ATGT Quốc gia, các tổ chức có liên quan tới lĩnh vực ATGT.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, tai nạn giao thông (TNGT) đã và đang gây ra những thiệt hại nghiêm trọng đối với sinh mạng, sức khoẻ và tài sản của người dân cũng như quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam và thế giới. Thứ trưởng Lê Đình Thọ đề nghị các nhà quản lý và các tổ chức có liên quan chủ động phối hợp, lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học, chọn lọc những quan điểm giải pháp hợp lý, đưa vào chương trình hành động của cơ quan, tổ chức, qua đó chuyển tải những tri thức mới nhất của thế giới vào đời sống thực tế, góp phần kéo giảm TNGT tại Việt Nam; Ủy ban ATGT Quốc gia, các cơ quan thành viên cần tiếp tục tăng cường phối hợp chia sẻ thông tin hỗ trợ các cơ sở nghiên cứu thực hiện các nghiên cứu về ATGT cũng như công tác đào tạo giảng dạy ATGT; Các cơ quan thông tấn báo chí phối hợp chặt chẽ với các nhà quản lý và các nhà khoa học để chọn lọc và chuyển tải những thông tin kiến thức cần thiết về ATGT đến cộng đồng để người dân biết, ủng hộ các chính sách và giải pháp về ATGT của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Ủy ban ATGT Quốc gia;
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ phát biểu khai mạc Hội nghị
Phát biểu thay mặt Tiểu ban ATGT Đường thủy nội địa và Hàng hải tại Hội nghị, PGS. TS. Phạm Xuân Dương, Hiệu trưởng Trường Đại học Hàng hải Việt Nam đã báo cáo kết quả làm việc và tổng hợp các đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, các Bộ ban ngành và cơ quan có liên quan, cụ thể như sau:
- Kiến nghị đối với công tác đăng kiểm phương tiện đường thủy nội địa: Bộ Giao thông vận tải cần xem xét, giao kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cập nhật, bổ sung quy định quản lý phương tiện chở khách du lịch; Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Cục Cảnh sát giao thông, Sở Giao thông vận tải cùng phối hợp chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tuyên truyền phổ biến Luật; Chỉ đạo các đơn vị cảnh sát giao thông, các cảng vụ, thanh tra giao thông tăng cường tuần tra kiểm soát người và phương tiện tham gia giao thông đường thuỷ nội địa để chủ phương tiện chấp hành việc đăng kiểm phương tiện, trong đó, công tác tuần tra kiểm soát là điều kiện tiên quyết để thực hiện thành công. Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quan tâm, chỉ đạo các cơ quan hữu quan, các quận, huyện, phường, xã tăng cường kiểm soát theo thẩm quyền, cùng phối hợp thực hiện đăng kiểm phương tiện thuỷ nội địa chở khách du lịch;
- Kiến nghị về an toàn hàng hải:
+ Cục Đăng kiểm Việt Nam cần nghiên cứu các quy định mới của IMO, đánh giá về tác động của các quy định đó (khi có hiệu lực) đối với đội tàu biển Việt Nam, từ đó đề xuất Bộ Giao thông vận tải xem xét, cập nhật, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành của Việt Nam để phù hợp với quy định quốc tế về an ninh, an toàn, phòng ngừa ô nhiễm môi trường đối với hoạt động tàu biển.
+ Cục Hàng hải và Cục Đường thuỷ nội địa nghiên cứu: Xây dựng chính sách pháp luật quy định về chuyển đổi số trong lĩnh vực hàng hải, khuyến khích đầu tư các dịch vụ hàng hải ưu tiên theo e-navigation trong tương lai gần nhằm nâng cao an toàn giao thông hàng hải; Xây dựng kế hoạch hành động quốc gia về chuyển đổi số trong lĩnh vực hàng hải, kết hợp với quản lý các vùng biển dựa trên nền tảng công nghệ; Đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hàng hải gắn liền với chuyển đổi số, thích ứng với các yêu cầu về phát triển bền vững trong ngành hàng hải; Ưu tiên đầu tư trong các lĩnh vực cụ thể sau:
- Chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả thông tin, phối hợp trong hoạt động tìm kiếm cứu nạn và đảm bảo an toàn hàng hải.
- Chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng tổ chức, giám sát, điều phối giao thông hàng hải tại các khu vực cảng, luồng giao thông trọng yếu.
- Chuyển đổi số nâng cao chất lượng về quản lý, giám sát, đảm bảo an toàn hoạt động của đội tàu VR-SB, và các loại tàu dưới tiêu chuẩn của SOLAS.
- Chuyển đổi số để xây dựng các cảng biển thông minh, ưu tiên đối với các cảng cửa ngõ quốc tế quan trọng.
- Kiến nghị về nghiệp vụ dẫn tàu an toàn và điều tra tai nạn hàng hải: Ngoài yếu tố kinh nghiệm và sự tuân thủ các nguyên tắc điều động tránh va của người điều khiển tàu, đề xuất nghiên cứu, xây dựng, áp dụng qui trình tính toán để lượng hóa và dự báo được khoảng cách ngang nguy hiểm cũng như thời điểm tiềm ẩn nguy cơ đâm va. Qui trình tính toán này cũng là nền tảng lý thuyết quan trọng trong mô phỏng dự báo đâm va tàu, có thể ứng dụng trong việc tái dựng lại và phân tích kịch bản đâm va trong quá trình điều tra các vụ tai nạn hàng hải có khả năng xuất hiện hiệu ứng tương tác hút giữa 2 tàu khi tránh vượt ở cự ly gần.
PGS.TS. Phạm Xuân Dương – Hiệu trưởng Trường Đại học Hàng hải Việt Nam, Trưởng Tiểu ban ATGT Đường thủy nội địa và Hàng hải phát biểu tại Hội nghị ATGT Việt Nam lần thứ 7
Báo cáo tổng hợp của Tiểu ban ATGT Đường thủy nội địa và Hàng hải đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của Hội nghị. Trong bài phát biểu tổng kết Hội nghị, đồng chí Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Uỷ ban ATGTQG, đã đánh giá rất cao các đề xuất của Trường Đại học Hàng hải Việt Nam nói riêng và của Tiểu ban ATGT Đường thủy nội địa & Hàng hải nói chung, đối với các giải pháp mang tính vĩ mô cho ATGT ngành hàng hải, cũng như các nghiên cứu chuyên sâu về bài toán cụ thể tránh va chạm trong lĩnh vực hàng hải và điều động tàu.
Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng phát biểu tổng kết Hội nghị
Hội nghị ATGT Việt Nam năm 2021 đã thành công tốt đẹp đồng thời mở ra hướng đi mới cho tình trạng giao thông của Việt Nam trong tương lai ở tất cả các lĩnh vực như các phương thức vận tải đường bộ, đường sắt, thủy nội địa, hàng hải và hàng không, theo đúng định hướng trong bài phát biểu khai mạc của đồng chí Thứ trưởng Bộ GTVT: "Giao thông an toàn là mong muốn của nhân dân, đồng thời là nhiệm vụ chính trị quan trọng của cả hệ thống chính trị và cũng là nỗi trăn trở tất cả chúng ta. Với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong đó có sự đồng hành của các nhà khoa học trong nước và quốc tế, chắc chắn ATGT tại Việt nam sẽ ngày một tốt hơn". Sự tham gia tích cực và có hiệu quả của Trường Đại học Hàng hải Việt Nam trong Hội nghị lần này đã góp phần nâng cao và khẳng định vai trò, vị thế của một Trường trọng điểm quốc gia, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của đất nước và khu vực trong chiến lược phát triển kinh tế biển của đất nước./.